Montag, 3. April 2023

 Về nhạc Trịnh

Lời kêu gọi hợp tác với chế độ cộng sản của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn ngay sau ngày 30.4.1975, không biết TCS tự viết hay phải đọc bài do ai đó viết và buộc phải đọc:
"Hôm nay là ngày mơ ước của tất cả chúng ta... Ngày mà chúng ta giải phóng hoàn toàn đất nước Việt Nam này... Những điều mơ ước của các bạn bấy lâu là độc lập, tự do, và thống nhất thì hôm nay chúng ta đã đạt được tất cả kết quả đó... Hôm nay tôi yêu cầu các văn nghệ sĩ cách mạng miền Nam Việt Nam, các bạn trẻ và Chính phủ Cách mạng lâm thời xem những kẻ ra đi là những kẻ phản bội đất nước... Chính phủ Cách mạng lâm thời đến đây với thái độ hòa giải, tốt đẹp. Chúng ta không có lý do gì để sợ hãi mà ra đi cả. Đây là cơ hội duy nhất và đẹp đẽ nhất để đất nước Việt Nam được thống nhất và độc lập. Thống nhất và độc lập là những điều chúng ta mơ ước suốt mấy chục năm nay. Tôi xin tất cả các bạn, thân hữu và cũng như những người chưa quen của tôi xin ở lại và kết hợp chặt chẽ với Ủy ban Cách mạng lâm thời để góp tiếng nói xây dựng miền Nam Việt Nam này...”
(Theo Wikipedia)
Đọc lời kêu gọi này, ai là nạn nhân vc ở miền Nam mà không cảm thấy bị xúc phạm, bị phản bội, đau xót, giận dữ?
Phải thừa nhận Trịnh CS là nhạc sĩ có tài, nhạc và ca từ hay – nên mới nổi tiếng khắp miền Nam từ trước 1975. Thuở mới lớn, tập đàn, tôi cũng đã từng say mê nhạc TCS.
Tuy nhiên, bài hát „Em còn nhớ hay em đã quên“ đầu thập niên 1980 đã giết chết „thần tượng“ TCS trong tôi, nhất là câu „Em ra đi nơi này vẫn thế“.
Làm sao vẫn thế được? Người mù, vô cảm lắm cũng thấy được sự thay đổi vô cùng thê thảm của miền Nam sau 1975 mà thời điểm bài hát đó ra đời thuộc về thời thê thảm nhất của thời bao cấp, ngăn sông cấm chợ, tang thương trong mọi gia đình người miền Nam vì cha anh đi cải tạo không để lại vết tích sống còn nào vì không được viết thư. Bao người khác đói trên vựa lúa lớn nhất nước. Bao gia đình khác tan nát vì thân nhân đi vượt biển và mất tích ... Kể sao cho xiết bao nỗi đau thương mà hơn 17 triệu người miền Nam lúc đó phải gánh chịu khi bị cộng sản Bắc Việt thôn tính.
Thế mà TCS viết là „Em ra đi nơi này vẫn thế“. Lần đầu nghe bài hát đó, tôi chấm dứt việc nghe nhạc Trịnh vì mỗi lần nghe là có cảm giác mình bị lừa như nhiều người dân miền Nam bị hệ thống tuyên truyền tinh vi của cộng sản lừa suốt gần 100 năm nay.
Chính TCS cũng phải tự trả lời hai câu hỏi này: Vì sao sống trong cùm kẹp của „Mỹ, Ngụy“ mà ông ta tự do sáng tác? Vì sao „được bác và đảng giải phóng“ thì ông tịt ngòi, không còn sáng tác được bao nhiêu bài nữa và bị kiểm duyệt gắt gao?
Riêng tôi, tôi vẫn mong ông để lại 1 lời xin lỗi dân miền Nam nói riêng và dân cả nước nói chung vì ông đã có „công“ khá lớn trong việc làm sụp đổ miền Nam tự do. Và dĩ nhiên là đã thất vọng.
Mỗi người dân miền Nam bình thường đều nhìn ra được sự khác biệt của hai thể chế trước và sau 1975. Ông TCS lẽ nào không phân biệt được đâu là thiện đâu là ác, đâu là lẽ phải, đâu là gian trá, đâu là ngụy đâu là chính nghĩa? Đáng lẽ ông phải cám ơn miền Nam đã tạo điều kiện cho ông cất cánh, thi thố tài năng thay vì kiềm kẹp, thui chột tài năng của ông như các đồng nghiệp của ông trên miền Bắc.
Ai mê và thần tượng TCS, đó là việc riêng của mỗi người. Riêng tôi, cảm giác bị lừa dối khi nghe nhạc TCS vẫn còn đậm nét lắm.
Hình: TCS và nhạc sĩ Văn Cao, người cũng tài ba nhưng không vào Nam nên không hưởng được tự do để sáng tác. Ngược lại cuộc đời nhạc sĩ của ông, như tất cả các văn nghệ sĩ trên vĩ tuyến 17, bầm dập, lên bờ xuống ruộng và luôn ước ao được một khoảng không gian tự do để sáng tác nhưng không được vì bị đảng ám.
PS:
Đây là âm thanh TCS đọc lời kêu gọi trong ngày 30.4.75. Các bạn nghe xem có vẻ TCS bị buộc phải đọc hay hồ hởi phấn khởi nhé:
PS2: (3.4.2022)
Có lẽ vì đã lỡ đọc lời kêu gọi đồng bào ở lại VN để sống trong xiềng xích vc nên ông TCS không đi vượt biên như bao ca nhạc sĩ khác.
Nếu ông chịu đi, có lẽ ông đã tha hồ sáng tác trở lại. Cũng tiếc!

Keine Kommentare:

Kommentar veröffentlichen