Sonntag, 6. Dezember 2020

 Đây là truyện dã sử thứ nhì tôi đánh máy hơn 10 năm trước từ quyển „Dốc Nguyệt Trào Sông“ của tác giả Nguyễn Từ Hanh sau truyện „Long Môn Hiệp Khách“

Chọn bài này để gõ từng chữ vì tâm đắc với câu „ không tìm Phật trong kinh“
Truyện dã sử Việt Nam vốn nhiều, truyện hay càng hiếm hơn. Nhưng „Dốc Nguyệt Trào Sông“ là ngoại lệ.
Rất vui, nếu bạn đọc hết truyện
Xin cám ơn tác giả Nguyễn Xuân Nghĩa.
--------------------------------------------

BÀI KỆ NGOÀI KINH

Nguyễn Từ Hanh (kinh tế gia Nguyễn Xuân Nghĩa)
Tiếng trẻ thưa ngoài ngõ khiến Ngô ngửng lên nhìn qua song. Bên ngoài, trời đã nhá nhem tối lúc nào chàng không hay. Mãi ngồi nghiên cứu bản tổng lãm đồ trải trước mặt, chàng mất hẳn ý niệm về thời gian , tâm trí còn chuyên chú đâu đó trên vùng Tam Điệp. Lấy bút chấm một nét son trên bản đồ, Ngô chậm rãi đứng dậy khêu ngọn đèn cho thêm tỏ và ngóng nhìn ra cửa. Cánh cổng tre ngoài ngõ kêu cót két, Ngô biết là có khách đang vào. Khua chân tìm đôi guốc, chàng khoan thai bước ra. Không rõ chiều hôm khuya khoắt, ai lại đến thăm mình ở chốn hẻo lánh này.
Khách bước vào làm Ngô giật mình tưởng như bị hoa mắt.
*
- Từ đó đến nay, cũng tròn bốn năm rồi đấy. Tạm cất việc quân, tôi đến thăm ông để mời ông ra khỏi chốn thôn dã này mà mưu việc cứu nước. Khách rũ áo máng lên kỷ và liếc nhìn tấm bản đồ, mắt sáng long lanh. Hy Doãn Công quả là nơi nào cũng chỉ nghĩ đến việc nước.
- Ngài dạy quá lời. Tôi có ngờ đâu lại có khách phương xa đến giờ này, mà lại là cố nhân. Vâng, cũng đã bốn năm rồi. Ngô đưa tay mời khách ngồi và tự tay tráng khay trà thay nước. Cho tôi bảo nhỏ nó đặt hoả lò, chúng ta làm một chung trà cho ấm bụng. Ngài đã dùng bữa chưa, nơi đây dưa giá bao giờ cũng sẵn có ...
- Xin đa tạ, khách quơ tay từ chối, tôi không được nhiều thời giờ, muốn gặp ông thỉnh ý vài điều, xong rồi lại phải xuôi Nam ngay, vắng mặt nơi quân ngũ lâu cũng bất tiện. Tôi từ Nghệ An ra đấy.
Ngô ngừng tay, nhìn khách mà đôi chút phân vân. Ở nhà dưới, tiếng trẻ đã êm. Nơi quê mùa, giờ này ai cũng đã nghỉ. Chàng biết con diều biển trước mặt là tay đa mưu túc trí, từ cái họa kiêu binh năm Dần hai người đã thấy nhau lần chót tại Thăng Long. Ngô thì về vùng Vũ Thư này lánh nạn, trong khi hắn đã vượt thẳng về quê cũ là Nghệ An,rồi theo Tây Sơn từ năm đó. Mùa hè năm nay, hắn đã đi cùng quân Tây Sơn ra Bắc, quyền uy lẫy lừng theo thế Tây Sơn. Cớ sao, giờ này lại từ Nghệ An tới gặp chàng vào lúc khuya khoắt như thế này, rồi còn định đi ngay. Biết tính khách, chàng lặng lẽ cuốn tấm họa đồ lại và ngồi ngay ngắn như chờ đợi. Ngoài sân, trời đã tối hẳn, ánh trăng non hắt bóng mấy tàu lá chuối lên vách nhà, nhảy múa theo tiếng rên rĩ của giun dế ngoài thềm. Ngô nhìn ra sân, gió Thu mát như thế này, năm nay chắc chắn sẽ được mùa lúa Chiêm.
- Ông biết đấy, Bắc Hà này chẳng còn ai. Khi đưa quân Tây Sơn từ Thuận Hoá ra, dưới lá cờ "Phò Lê diệt Trịnh", tôi biết là Trịnh Khải sẽ không cầm cự nổi. Nhưng, qua những tháng đầu tìm hiểu tình hình Tây Sơn, tôi cũng biết là Tả quân Vũ văn Nhậm là người của Thái Đức Nguyễn Nhạc và sự kiện Nhạc tức tốc kéo quân ra Bắc Hà ngay sau Nguyễn Huệ cho tôi thấy là vị trí của Huệ cũng chưa vững. Nguyễn Phúc Ánh thì vẫn chưa bị diệt, còn bôn ba nơi Đông Hải vận Tây Dương về khôi phục giòng Nguyễn. Tôi đã thu xếp để Hoàng Gia gã Ngọc Hân Công Chúa cho Huệ hầu giữ được ngai Lê thêm ít lâu. Tôi muốn gặp ông chính là để bàn về việc này. Thời giờ không nhiều, xin đề nghị ông cùng tôi, noi gương Tam Anh thời Hán mà kết nghĩa anh em, cùng phò Lê mà giữ gìn ngôi vị của mình ở Bắc Hà.
- Đa tạ ngài đêm hôm khuya khoắt mà lặn lội tới nơi thôn dã này mà chỉ cho con đường sáng. Tôi thiết nghĩ vận nhà Lê đã tận, từ bao nhiêu năm nay, xã tắc phân chia năm bè bảy mối, nếu ngài đã có duyên may tìm tới Bắc Bình Vương, tại sao không đem chí nguyện của mình phò minh chúa để mau chóng thống nhất nước nhà. Ngài biết rõ tình hình Bắc Hà đấy, nhà Lê đổ nát từ những đời Tương Dực đến nay đã cả hơn hai trăm năm. Sau đó, nào Mạc nào Trịnh, Bắc Hà này đã bị bao năm điêu linh chinh chiến. Trong khi đó, ở Trung Nguyên, vua Càn Long của Mãn Thanh đã dẹp yên nội loạn, lại là tay kiệt xuất hơn đời, mai này làm gì mà không nhòm ngó xuống các vùng Yên Quảng nước ta. Tam phân thiên hạ vào giờ này, tôi trộm nghĩ là một kế sách không bền. Vừa tạo cảnh nồi da xáo thịt, vừa giúp cho phương Bắc thêm thế mạnh để khuynh loát nước ta. Vả lại, như tôi vừa trình, vận nhà Lê nay cũng đã tận, ngài có nên nghĩ tới bá tánh hơn là ngai vua Lê chăng ?
Khách ngồi duỗi chân, ngửng nhìn lên trần cười mãn nguyện. Đưa tay chỉ bức hoành ba chữ treo trên vách, khách gật gù:
- "Thánh Chi Nhiệm", ông vẫn còn giữ được ý nguyện này chăng ? Hy Doãn Công, ông muốn nói gương Y Doãn phò vua Thang, như bậc thánh về nhận lãnh trách nhiệm, ông vừa phăng ra cái mối lớn của trách nhiệm đó mà lại không hay. Thì chính vì ngai Lê đã nghiêng đổ tôi mới tìm tới đây. Ta dựa vào cái ngai đó theo cách Tề Hoàn, Tấn Văn mà dùng Thiên Tử sai khiến các nơi. Và kết hợp với tôi, ông sẽ có nơi đem chí nguyện phục vụ của ông ra thi thố. Chẳng hơn là chui về đây chờ thời sao ?
- Ngài dạy như vậy, tôi thấy sáng ra nhiều điều, nhưng cũng phân vân nhiều điều ...
- Cả một vòm trời Thăng Long, tôi chỉ thấy một ngôi sao sáng là Hy Doãn công thôi, tôi lấy chân tình mà nói đấy. Vậy mà còn có điều ngờ! Bậc quân tử, có điều ngờ thì phải giải.
- Ngài dạy vậy, tôi trộm nghĩ hơi quá. Bắc Hà là nơi địa linh nhân kiệt, người tài thời nào cũng có, tôi không dám được dự vào đó. Còn về những điều ngờ, tôi xin đem ruột gan phơi bày nơi đây, mong ngài chỉ cho thêm sáng. Tôi thấy chủ đích của ngài có mấy điểm không thuận. Chúng ta không thuộc loại hủ nho, khư khư giữ lấy chữ trung hạn hẹp. Tôi nghĩ thiên hạ là của công, chẳng phải của họ Lê họ Trần, chỉ có sự hưng vong của đất nước và sự an nguy của bá tánh mới là đáng kể ... Từ đời này qua đời khác, Đinh Lê Lý Trần Lê, trải bao năm đất nước ta mới xây dựng có giềng mối và qui củ. Mấy trăm năm nay, vận nước suy vong, Vua không ra Vua, Chúa chẳng ra Chúa. Đàng Trong Đàng Ngoài đều nhân danh ngai Lê mà hùng cứ Nam Bắc, xung đột bảy lần, giết hại bao người chỉ vì quyền uy riêng. Trong suốt giai đoạn suy vong đó, bá tánh biết trông cậy vào đâu ? Ngài có duyên may, như tôi vừa trình, là nương nhờ dưới trướng Tây Sơn mà làm được đại sự là giải trừ mối hoạn họ Trịnh cho bá tánh, vì sao không theo gương Đào Cam Mộc, Trần Quốc Tuấn hay Nguyễn Trải mà khuông phò Bắc Bình Vương để mau chóng thống nhất sơn hà và lập vận hội mới mà an định đời sống cho muôn dân? Trong mấy năm giữ gìn qui củ ở hai trấn biên thùy, tôi được theo dõi những động tĩnh của nhà Thanh phương Bắc, tôi trộm lo mối họa ngoại xâm nay mai sẽ xảy ra. Với tầm hiểu biết hạn hẹp của người phế bỏ nơi thôn dã này, tôi thầm mong Bắc Bình Vương sẽ thành công ở Đàng Trong để chấn chỉnh giềng mối giang san mà đối đầu với giặc dữ sẽ tràn qua. Tôi nghĩ là ngài đã ở dưới trướng Tây Sơn, ra vào với các hổ tướng ở Đàng Trong, ngài cũng thấy là binh đội Tây Sơn có kỷ luật, có qui củ, ra vào có nền nếp, giữ lòng dân làm gốc, lấy sự an nguy của dân làm chỉ nam, nay mai, Bắc Bình Vương tất sẽ thành nghiệp Đế. Đây là tôi từ xa nói vào; ngài ở trong tất nhìn rõ điều đó hơn tôi. Sao không vì bá tánh mà khuông phò Vương cho sớm mạnh mà lại tính việc dựng tấm bình phong phò Lê để làm lạc hướng đại nghĩa ? Tôi trộm e là mưu không bền mà Bắc Hà nay mai lại thêm loạn. Chinh chiến đã lâu rồi, ngài nên nghĩ đến lấy sức dân là chước sâu bền vững để sau này còn đối phó với mạn Bắc. Giờ này mà vẫn còn nghĩ đến việc tam phân thiên hạ là phạm đến đức hiếu sinh của Trời Phật, mà cũng không làm sáng cái trí của kẻ sĩ. Tôi xin phép được nói ra điều ngay, ngài có phật ý thì tôi xin chịu tội. Ngài đến đây, nơi ngoài kia mà làm sao chẳng có thủ túc giữ gìn mạng quí, ngài có muốn ra oai thì tôi xin chịu, nhưng xin không dám nghe lời.
*
Khách trầm ngâm nhìn Ngô, đôi mắt sáng long lanh dữ dội, càng làm nổi lên cái mũi khoằm như mũi ưng. Một chốc, khách lắc đầu, đưa tay lần giở tấm hoạ đồ và chỉ lên vách, nơi treo ngang dọc năm bảy tấm hoạ đồ khác.
- Thuận hoá đồ, Yên Quảng đồ, Kinh Bắc đồ, Phú Xuân đồ ... Đại Việt Tổng Lãm đồ, Hy Doãn Công quả không lúc nào ngơi lo việc nước. Chấm son ông điểm lên đây, phải chăng là đèo Ba Dội ? Ông cũng nghĩ đến vùng đất hiểm trở này sao ? Tôi biết là Bắc Bình Vương cũng thường ngày nhắm vào chỗ này để tính việc ra vào Bắc Hà. Nhưng Vương biết, tôi cũng biết. Mai này tôi dự định sẽ đưa Tham tán quân vụ Ninh Tốn về đây giữ chỗ này, Bắc Bình Vương sẽ không ra tới Bắc Hà lần nữa đâu. Việc đề nghị với ông, nơi đây chỉ có tôi và ông. Tiếc là ông không nghe. Khoái Triệt khi xưa đã không thuyết phục được Hoài Âm Hầu giành thiên hạ với Hán Cao Tổ, ngày nay, chính tôi đến tận đây mời ông, tôi không phải Hoài Âm Hầu Hàn Tín, ông cũng chẳng phải Khoái Triệt ...
- Vâng, thưa ngài, tôi cũng sẽ không phải giả điên vượt nạn. Biết tính tôi, ngài yên tâm ở một điều. Tôi không đồng ý thì nói ra, nhưng cũng không bao giờ phải làm điều tố giác. Vả lại, thời này, ngài nghĩ xem, còn Vua còn Chúa đâu, tố với ai. Chỉ còn Trời đất và muôn dân đang nghe ngóng thôi. Nếu ngài cho phép, tôi xin được có lời tâm huyết: Làm gì, ngài cũng nhớ đến đức hiếu sinh của Trời Phật mà nương cho bá tánh khỏi cảnh đổ máu.
- Hy Doãn Công sống cảnh thôn dã mãi đâm cũng thành ủy mị. Đã mưu việc lớn, phải biết bỏ qua những tai ương của đám tiểu dân. Ông muốn lấy đức từ bi của Phật mà khuyên tôi, tôi cũng xin được tạ bằng món quà nhỏ này. Từ xa đến, cố tri gặp nhau hơi đường đột sau mấy năm cách trở, chỉ xin gởi ông quyển Diệu Pháp Liên Hoa Kinh này. Đây là bảo vật của Thanh đình, có những chú giải của các bậc đại Nho đại Thích từ đời Minh đấy. Thiên hạ thường nói Hy Doãn Công là người có tâm Phật, hôm nay đây mới được thấy. Tôi xin kiếu và cũng chẳng cần theo thói thường mà dặn ông giữ kín điều tâm huyết đôi ta vừa cùng luận.
- Khi xưa, Trấn thủ Tây Sơn Nguyễn Khản đã muốn kéo tôi làm vây cánh để giết Quận Huy và đưa Trịnh Tông lên, tôi đã chối từ vì không muốn Bắc Hà thêm loạn, ngài là thủ túc của Quận Huy hẳn cũng biết điều đó. Vì vậy, ngài cũng chẳng cần nhắc tôi giữ kín chuyện này làm chi. Nói mãi hoá nhàm, tôi chỉ khẩn thiết mong ngài làm gì thì cũng nghĩ đến thứ dân trước đã. Quyển kinh này, ngài đã có nhã ý trao tặng, tôi coi là diệu duyên và xin tâm niệm sẽ đọc kinh để cầu cho xã tắc sớm yên bình, riêng ngài không gặp điều bất hạnh.
Khách đứng dậy vái chào, nhếch mép cười ngạo mạn như hiểu ra lời đe dọa ẩn chứa trong câu tiển của Ngô.
- Tôi xin kiếu, giang sơn còn đó, Hy Doãn công cố gắng bảo trọng lấy thân, và liệu bề sớm tối tụng kinh cho Phật sự chóng thành như ý nguyện. Tôi biết đường về, xin miễn tiễn.
Dầu vậy, Ngô cũng lững thững bước theo chân khách ra tới cổng. Bên ngoài, trăng đã lên cao, tiếng cú từ ngoài lùm tre đưa lại, nghe xa xôi và ảo não. Khách vừa khoác áo rời khỏi cổng, năm bóng đen từ lũy tre lấp ló tiến tới vái chào, lặng lẽ đi như những bóng ma. Ngô chắp tay sau lưng thở dài, rồi lặng lẽ quay vào. Mảnh vườn không rộng, trồng rau nhiều hơn hoa, vậy mà đêm xuống, mùi hoa thiên lý cũng thơm hắc. Chàng biết là mình sẽ không còn ở đây lâu để ăn mùa cà năm tới. Thở dài, Ngô nhìn lên khoảng mênh mông cao vút trên kia. Năm nay, chàng đã tứ tuần và vận nước còn lao đao như vậy ... Có lẽ chỉ có vầng trăng mới hiểu được nỗi lòng băn khoăn của chàng. Mấy trăm năm nay rồi, binh đao mãi như vậy, nước cùng dân kiệt, làm sao chống chọi với đại cường Mãn Thanh?
*
Mới đầu, Ngô tưởng là khách bỏ quên cái áo. Khi thấy bóng đen trên kỷ quay người, chàng mới biết là trong trang phòng đã có người lạ vào ngồi đó từ bao giờ. Ngô hơi cau mặt, rõ ràng là chàng vừa bước ra mấy bước tiễn Cống Chỉnh ra về, làm sao lại có người lạ lẻn vào mà chàng không hay. Người khách lạ đưa tay tự nhiên khều ngọn đèn dầu cho sáng lên, rồi quay ra nhìn chàng với nụ cười thật hiền từ. Bấy giờ, Ngô mới nhận ra người khách lại là một vị sư già.
- ADi Đà Phật, vị sư già đứng dậy hai tay chấp trước ngực cúi chào rất từ tốn.
- Dạ ... thầy. Thầy từ đâu tới ... đợi tôi có lâu không ?
- Già này nhân khi ngài tiễn khách đã mạn phép bước vào, thật là có lỗi.
- Mà làm sao thầy vào được bằng cửa này mà tôi không hay ? Thầy từ đâu đến?
- Vào nhà, đâu cần cửa. Từ đâu đến hay đi về đâu, điều này chắc ngài cũng chẳng nên bận tâm, vì cả đời người thì cũng chỉ loanh quanh có hai câu hỏi này mà thôi. Liếc nhìn quyển kinh, nằm ngay ngắn giữa tấm họa đồ nước Đại Việt, vị sự già nói tiếp. Thầy cũng tụng kinh Pháp Hoa ? Tìm Phật trong kinh thì làm sao thấy?
- Dạ thưa, cũng do người khách phương xa vừa tặng. Thầy đến đây chắc cũng có điều muốn dạy hay có chuyện muốn sai khiến?
Ngô vừa mon men tiến lại trước kỷ, vừa nhìn vị sư già, không dấu được vẻ tò mò. Ông không mặc áo sa di, chàng đoán là một vị sư vì thấy đầu cắt trọc và chuỗi tràng hạt màu hổ phách đeo trước ngực. Ông không có dáng vẻ của những người tu hành bình thường, đôi mắt từ bi sau hàng lông mày bạc rất rậm vẫn không dấu được vẻ đường bệ tinh sáng của một bậc trí tuệ. Nhà sư da dẻ hồng hào, nhưng đứng lên thì chậm rãi như người già cả, ngồi xuống thì lại vững chải như một trái núi. Ngô biết chàng đã gặp một người lạ thường.
- Già này nghễnh ngãng, nghe câu được câu chăng nên muốn hỏi lại ngài. Khi nãy, có phải ngài đã từ chối không đi theo Cống Chỉnh dựng lại Phủ Liêu đằng sau ngai vua Lê chăng ?
Ngô hơi ngạc nhiên vì lời mào đầu đột ngột của vị sư già. Chàng lắc đầu nhìn quanh, không lẽ ông ta vào phòng bằng cửa sổ. Phải chăng ông đã nghe lén câu chuyện giữa hai người. Mà làm sao có thể lẻn đến sát vách như vậy. Chàng ngồi xuống thở hắt ra, đưa tay cầm lấy quyển kinh, tìm câu trả lời.
- Hồi nãy, không biết có Thầy tới để ra tiếp, để Thầy phải đợi ngoài hiên, tôi quả thật có lỗi.
- Già này mạo muội tới đây để có đôi lời hoan hỷ mừng ngài đã tai qua nạn khỏi. Ngài để lại kinh trên bàn, cho già này được nghe ý nguyện của ngài. Nguyễn Hữu Chỉnh là người khó cùng tính việc lớn. Cả bao lâu nay, danh giáo đã lu mờ, đạo pháp cũng nghiêng ngả, chính tà chẳng phân minh ... Cống Chỉnh làm gì cũng mưu tính cho riêng mình trước. Hạng nho tiểu nhân đời nay phát sinh nhan nhản. Tội nghiệp, già này nghĩ là ngài đã trực ngôn khuyên giải, Chỉnh không nghe, chắc sẽ gặp hoạ. Nhưng, già đến đây không vì việc đó.
Vị sư già nói xong liền đứng dậy, như đã rất quen thuộc với cách bài trí trong phòng. Bước tới ống bút, ông rút cây bút son Ngô mới dùng hồi chiều lặng lẽ chấm vào nghiên son phóng lên bìa kinh bốn chữ. Trong kinh có độc. Rồi đưa tay vuốt tấm bản đồ thẳng băng trước mặt.
- Ngài lại đây, vị sư già ra dấu mời Ngô, hồi tối, nghe hai người luận về đèo Tam Điệp này, già nhớ lại câu thơ ngài mới viết tháng trước. Thu đến Ngũ Hồ ta có đến, Lòng lo Tam Điệp ai cùng lo ? Ý ngài là làm sao ? Đừng hỏi vì sao già đọc được bài thơ ngài viết. Tam Điệp có gì làm ngài suy nghĩ mãi vậy?
- Bạch Thầy, Ngô bắt đầu biết sợ mà đổi cách xưng hô, bạch thầy, xưa kia con nghĩ đến vùng núi hiểm trở này là để ngăn ngừa quân Đàng Trong phạm tới Bắc Hà. Y như Cống Chỉnh lo hồi chiều vậy. Nhưng, từ khi Bắc Bình Vư ơng vượt ra Thăng Long năm ngoái, nhìn sĩ phu Bắc Hà xớn xác bỏ chạy, con đâm lo một điều ngược lại. Sau này, quân Mãn Thanh tràn xuống, mà Bắc Bình Vương chưa giải quyết xong việc ở Thuận Hoá, làm sao ngăn chận được quân giặc ? Con suy nghĩ mãi đến Tam Điệp là nơi rút quân cố thủ để còn có ngày quật khởi. Dân tình Bắc Hà, nhất là trong đầu óc đám sĩ phu quan lại thời nay, vẫn chưa nhìn thấy việc bảo vệ xã tắc và bá tánh là trọng, mà chỉ lao đao giữa việc theo vua Lê hay Chúa Trịnh, hay mưu tính việc riêng như Cống Chỉnh. Trong điều kiện này, quân Mãn Thanh rất dễ khai thác chiêu bài năm ngoái Cống Chỉnh đã dựng lên trước đây. Đó là phù Lê để cướp nước. Đám quan lại Bắc Hà đầu óc cố chấp sẽ làm loãng sức chống giặc của muôn dân với những giải pháp chính trị cục bộ và lạc hậu. Con chưa nhìn ra cách gì giữ gìn được Bắc Hà hơn là cách rút về Tam Điệp để lấy chính nghĩa về phía muôn dân và vạch rõ bộ mặt lạc hậu ươn hèn của đám quan lại còn đang bám víu vào cái ngai mục nhà Lê ...
- Già đoán đúng nhưng muốn hỏi ngài cho chắc. Tinh Độ Vương ngày xưa biết nghe lời ngài là đúng. Hiềm một cái là hắn không chặt được mối hoạn trong nhà để Đặng Phi làm loạn. Năm đó, khi nghe Đặng Phi lâm nạn chắc là ngài cũng thấy yên tâm. Câu nói khi xưa của cụ Đan Nhạc chắc ngài không quên?
Ngô giật mình nhìn vị sư già mà thấy mồ hôi rịn trên trán. Chàng đưa tay áo thâm vuốt mặt, phân vân cùng cực. Điều bí mật trong gia đình, từ mấy mươi năm nay, vị sư già nói ra vanh vách. Chàng chợt đứng dậy dợm bước định qùy lạy thì vị sư già đã khoát tay ra dấu.
- Ngài không nên câu chấp như vậy. Già này biết là khi xưa, cụ tổ ở nhà đã dạy ngài là "Lên Ấp Gặp Hoạ", cả nhà đã băn khoăn không rõ ý nghĩa của câu này. Mãi sau này, chính ngài là người đã dùng phép chiết tự ghép hai chữ Đăng và Ấp mà tìm ra mối hoạ từ họ Đặng. Đạo Trời huyền bí vô lường, mà lẽ sinh tử thì cũng chỉ là chuyện mây bay gió thoảng. Ngài nên nhìn xa hơn cái chết, xa hơn mối hoạ riêng, để mưu cho phúc chung của muôn tánh. Già chỉ xin nhắc lại một câu nhỏ là Thiền Tông vốn bất lập văn tự, trong kinh cũng chẳng có Phật, ngài nên tìm chân như trong đời sống hơn là trong kinh điển chữ nghĩa. Người có diệu tâm hiểu ra điều này cũng chính là Uy Quốc Công Nguyễn Huệ. Sau này, Quốc Công sẽ lên ngôi Hoàng Đế theo đúng ý nguyện của ngài. Chỉ tiếc là ít người có được trí phán đoán theo quyền lợi của trăm họ Đại Việt như ngài mà tìm ra chỗ sáng. Già đi khắp nơi, vẫn thấy vô minh che lấp khiến nhiều người còn chạy theo những tước hầu bá, những cống sinh tiến sĩ mà không giác ngộ được cái sức mạnh của muôn dân ... Họ còn chê Quốc Công là người Đàng Trong, võ biền ít học, chưa thấm nhuần cái đạo học cao siêu của họ. Thật là tội nghiệp.
- Bạch thầy, con thiết nghĩ, Bắc Hà không thiếu người tài, cả văn lẫn võ, trong chốn hoạn trường, con cũng biết được nhiều người có chí hướng hơn đời, biết nhìn vào căn cốt của sự việc hơn là cái danh hão bên ngoài, vì sao thầy tỏ vẻ bi quan như vậy?
Vị sư già đủng đỉnh bước tới trước bức hoành nheo mắt ngắm, rồi lắc đầu lần tràng hạt và đi ra phía cửa.
- Sau năm Dậu cơ, trước đó thì lưa thưa thôi. Trời đất còn dài, già xin cáo biệt.
- Nhưng, thầy sao vội đi. Con còn biết bao điều muốn được thỉnh ý, Ngô rảo bước theo hỏi với vị sư già, xin thầy nán lại cho con được thông tỏ phần nào.
- Ngài hiểu cho, vị sư già đứng lại nhìn chàng, đôi mắt ánh lên một chút tinh nghịch, mỗi thời việc trị và loạn lại giải quyết theo một cách, điều cốt yếu, ở thời nào cũng vậy, phải lấy dân làm gốc. Ngài hỏi già những việc đời nay và đời sau, già làm sao biết được hết ? Nói rồi vị sư già lại bước ra thềm và phất tay áo cười lớn, vang động cả vườn khuya.
Ngô đi theo khách ra tới cổng, chàng chợt bước tới nắm chặt tay vị sư già mà giật mình. Bàn tay nóng ấm lạ thường. Vị sư kỳ quái ngước lên nhìn trăng, khẽ đưa tay vỗ vai Ngô, gật đầu như đọc trong trí của chàng:
- Sư núi này sống nơi sơn khê đã lâu, quên mất mình tên gì, chỉ còn nhớ mình họ Trần. Hết thảy pháp không sinh không diệt. Hiểu được như thế thì chư Phật hiện ra trước mắt. Còn gì gọi là đi, có gì gọi là đến ? Ngài bảo trọng lấy thân cho xã tắc nhờ, và nhớ là đừng chấp vào văn tự kinh sách. Hãy đi vào đời sống, cảm thông với cái tâm cái tình của bá tánh thì sẽ có ngày đôi ta gặp nhau.
Nói rồi, vị sư già duỗi tay ra, liếp cổng tre he hé mở, ông bước ra nhẹ nhàng. Ngô chỉ kịp nhìn theo vẻ vạm vỡ của ông mất hút dưới rặng cây trồng dọc bụi tre đầu ngõ. Đưa tay khép cổng, Ngô nhìn lần theo tần ngần mà không hiểu vì sao cánh cổng tre không thấy kêu cót két như mọi khi. Trong mảnh vườn nhỏ vắng lặng, Ngô không còn ngửi thấy mùi hoa thiên lý, chàng thấy cảnh vật như đã đổi khác. Khác hẳn với hồi nãy, khi chàng tiễn Cống Chỉnh ra về. Ngô rùng mình quay vào. Trên án, tấm hoạ đồ chi chít chữ vẫn trải rộng, với những cột chữ nhảy múa dưới ánh đèn dầu lạc. Quyển kinh Pháp Hoa bằng giấy quí vẫn còn đó, nhưng bốn chữ son đã không còn.
Ngô lần dở bảo kinh, thấm nước miếng định lật sang trang, rồi lại thôi. Trong Kinh không có Phật. Giáo ngoại biệt truyền. Hãy đi vào đời sống để tìm giác ngộ ở nơi đó. Bắc Bình Vương còn cần biết bao người phò tá để cứu lấy giang sơn và bá tánh ... Ngô hiểu ý vị sư già mà lặng lẽ đặt quyển kinh lên kệ sách. Chàng biết là mình sẽ không bao giờ cầm tới nữa, vì sẽ rất bận rộn trong những ngày tới.
Kết nhỏ:
Từ khi đem quân từ Nghệ An ra Bắc đuổi Trịnh Bồng khỏi Thăng Long, Nguyễn Hữu Chỉnh đã thấy mộng mình sớm đạt. Chiêu Thống phải miễn cưỡng phong cho Chỉnh chức Bình Chương Quân Quốc Trọng Đại Tư Đồ, tước Bằng Trung Công. Chỉnh đã chiếm luôn phủ Liêu củaTrịnh làm đại bản doanh và ra vào triều Lê còn nghênh ngang hơn Tính Độ Vương hồi trước đến mấy bậc. Tin từ Đàng Trong cho biết Nguyễn Huệ còn đang gặp khó khăn vì tâm địa kém cỏi của Nguyễn Nhạc. Về mặt đó, Chỉnh tương đối được yên tâm. Có gì, Chỉnh vẫn có thể đem Chiêu Thống qua Lạng Sơn vận động quân Mãn Thanh ...
Chỉ có một điều làm Chỉnh kém vui, đó là chưa được tin gì về Ngô Thì Nhậm, người duy nhất Chỉnh e ngại ở Bắc Hà này. Sau chuyến viếng thăm đột ngột đêm đó, Chỉnh biết là sẽ không thể lay chuyển được Nhậm. Điều đó không làm con chim bằng Nguyễn Hữu Chỉnh ngạc nhiên lắm. Nhưng, Chỉnh khó chịu là vì sao chưa nghe tin Nhậm chết. Chỉnh biết, là người một đạo, khi được bảo kinh thế nào Nhậm cũng đem ra nghiền ngẫm. Kinh thỉnh từ Yên Kinh triều Thanh về, viết từ đời Minh, làm sao Nhậm không mê. Có điều, Nhậm không biết là trên mỗi trang kinh, Chỉnh đã cho tẩm thuốc cực độc. Chỉ cần nhấm nước bọt lần giở trang kinh cũng đủ chết người ...
Nhậm không biết là kinh có độc. Nhưng Chỉnh cũng không biết là sau Chỉnh đã có người khách lạ tới thăm Ngô Thì Nhậm. Và Chỉnh cũng không biết là Bắc Bình Vương đã sai Tả quân Vũ văn Nhậm nửa đêm đem quân ra Bắc Hà. Chính Bắc Bình Vương thì đi ngay đoạn hậu ... Đây là lần thứ hai Ngài đem quân ra Bắc.
Lần thứ ba, vào mùa Xuân Kỷ Dậu, Quang Trung Hoàng Đế đã mỉm cười trước các quan văn võ:
- Từ Phú Xuân, nghe tin Tôn Sĩ Nghị đem quân Lưỡng Quảng sang, ta đã sợ các tướng nóng nảy chận đánh thì hư việc. Lòng người Bắc Hà chưa định, phải để mọi người thấy ra cái dã tâm của giặc và điều sai lầm của Chiêu Thống đã. Phải để giặc đắc chí khinh thường dân Nam và bảo toàn lực lượng để chuẩn bị trận tổng phản công. Muốn như vậy, ba quân phải rút lui về Tam Điệp cố thủ. Nghe tin Đại Tư Mã Sở, Nội Hầu Lân và Đô Đốc Tuyết rút quân về đèo Tam Điệp, ta đoán ngay là mưu của Ngô Thì Nhậm. Và quả ta không lầm ...
Cái ý nguyện của Ngô Thì Nhậm, vào một đêm mùa Thu ở Sơn Nam, quả đã thành tựu. Trong khi đó, đến chết Chỉnh cũng không hiểu được là Ngô Thì Nhậm không tìm Phật trong kinh, mà tìm kinh ở ngoài đời. Còn quyển kinh Pháp Hoa ghê gớm kia, đến năm Quý Hợi, lại lọt vào tay họ Đặng. Đặng Trần Thường giết cựu thù xong, sai gia nhân đem hết sản vật của Ngô Thì Nhậm về dinh. Khi đó, Ngô Thì Nhậm chỉ còn một quyển kinh Pháp Hoa không bao giờ đọc, và một manh áo tăng đã sờn ...
Tháng 7. 1986
Nguyễn Từ Hanh

Keine Kommentare:

Kommentar veröffentlichen